logo
Giỏ hàng(
)

Bước ra thế giới: Hướng dẫn tự xuất bản sách trên Amazon

Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm “tự xuất bản sách” là khi nghe podcast “Have a sip” của Vietcetera phỏng vấn tác giả Đỗ Hữu Trí. Thay vì gửi đến nhà xuất bản, anh ấy đã tự xuất bản cuốn sách “Ôm phản lao ra biển”. Tự xuất bản cho phép anh ấy tự do thoải mái trong việc sáng tạo nội dung, kiểm soát thời gian ra mắt sách...

Sau đó, mình thấy tò mò về khái niệm này và bắt đầu tìm hiểu về việc tự xuất bản sách. Nhờ vậy, mình mới biết hoá ra ngoài việc gửi bản thảo đến nhà xuất bản, người viết vẫn có thể tự xuất bản và được quyền kiểm soát cuốn sách của mình. Hiện nay, các tác giả sách Việt Nam đang áp dụng hình thức này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bán sách cho người Việt vẫn không thể giúp bạn tăng thu nhập, chưa kể tỷ lệ người đọc sách ở Việt Nam còn chưa cao.

Mình nhớ từng đọc một bài viết trên nhóm “Tâm sự Con Sen” trên Facebook nói về việc khó có thể làm giàu nếu chỉ tập trung tiếp thị liên kết ở Việt Nam. Để phát triển xa hơn, bạn phải tiến ra thế giới và Amazon là một trong những nơi giúp bạn làm được điều đó. Xuất bản sách cũng vậy, nếu chỉ dựa vào thị trường ít ỏi ở Việt Nam, bạn khó thu về nhiều lợi nhuận từ sách. Nhưng nếu bạn bước ra thế giới, bạn sẽ đạt được nhiều hơn thế. Thử làm một phép so sánh nho nhỏ về số dân Việt Nam với số dân trên toàn thế giới, bạn sẽ thấy Amazon là thị trường béo bở.

Hiện tại, Amazon cho phép tác giả sách tự xuất bản và đăng bán trên nền tảng này thay vì in sách, xuất bản như kiểu truyền thống. Chính vì điều đó, Amazon đang là điểm đến dành cho nhiều tác giả sách trên toàn thế giới. Vậy hình thức tự xuất bản sách trên Amazon là như thế nào, chi phí ra sao, tại sao bạn nên lựa chọn tự xuất bản sách tại đây và làm thế nào để xuất bản một cuốn sách? Mọi câu trả lời sẽ nằm trong bài viết dưới đây.

Tự xuất bản sách trên Amazon là như thế nào?

Kindle Direct Publishing (KDP) là nền tảng xuất bản sách trực tiếp trên Amazon. Bạn tự xuất bản sách tại đây mà không cần thông qua nhà xuất bản, và khách hàng có thể mua bản ebook hoặc sách giấy. Hiện tại, đây là một trong những công ty tự xuất bản hàng đầu và đang thống trị thị trường sách tự xuất bản trên toàn thế giới.

Nguồn: Owlcation

Amazon KDP hiện đang nắm giữ ít nhất 80% thị trường sách điện tử. Từ khi ra mắt Amazon KDP vào năm 2007, Amazon đã mở đường cho các tác giả sách có thêm lựa chọn mới, họ không còn phụ thuộc vào cách thức xuất bản truyền thống, không phải trải qua khâu tuyển chọn, cạnh tranh giữa các nhà văn khác mà vẫn đảm bảo vấn đề bản quyền. Nhờ đó, sách điện tử, sách in tăng mạnh trong những năm gần đây thông qua hình thức tự xuất bản.

Vậy KDP hoạt động như thế nào?

KDP cho phép bạn tự xuất bản sách theo hai hình thức: ebook và sách bìa mềm (paperback).

Đối với bản ebook, tác giả sẽ đăng tệp sách lên KDP và sách sẽ xuất hiện trên cửa hàng Kindle để người đọc có thể mua và tải về trực tiếp.

Đối với sách in, tác giả sách cũng đăng tải tệp sách lên và KDP Publishing sẽ in sách theo kiểu bạn đưa ra, chi phí in ấn sẽ trừ trực tiếp vào tiền bạn bán được ở mỗi cuốn sách.

Dưới đây là cách thức hoạt động của KDP Publishing:

  • Tác giả đăng tải sách lên KDP Publishing
  • Tác giả tự xuất bản sách trên nền tảng KDP
  • Nếu người đọc mua bản ebook, họ sẽ tải trực tiếp sau khi thanh toán tiền
  • Nếu người đọc mua bản in, Amazon sẽ in sách và giao hàng tới nhà người đọc
  • Amazon sẽ trả cho bạn tiền bản quyền sách trên mỗi cuốn sách được bán trên nền tảng KDP

Vì sao bạn nên lựa chọn tự xuất bản sách trên Amazon?

Trước khi quyết định có nên lựa chọn KDP để xuất bản sách hay không, bạn nên hiểu cụm từ “tự xuất bản sách”.

Đối với phương pháp truyền thống, để một cuốn sách ra mắt trên thị trường, bạn cần phải nộp bản thảo cho nhà xuất bản (NXB), sau khi NXB xem xét, lựa chọn, phê duyệt, trải qua nhiều vòng thì bản thảo của bạn mới được chấp nhận. Và đó cũng là khâu khó khăn nhất đối với người viết sách trước khi sách tới được với bạn đọc. Sau đó, bạn không cần làm gì nữa vì những khâu tiếp theo, NXB sẽ đảm nhận như in ấn, biên tập, thiết kế bìa...

Đối với tự xuất bản sách, bạn sẽ là người đảm nhận tất cả công đoạn để sản xuất một cuốn sách và không phải trải qua quá trình phê duyệt. Khi bạn hoàn thành xong cuốn sách, KDP Publishing sẽ giúp bạn bày bán cuốn sách đó trên Amazon.

Dưới đây là một số lý do bạn nên lựa chọn KDP Publishing nếu muốn tự xuất bản sách:

  • Phân phối rộng rãi: Amazon là một trong những nền tảng lớn nhất hiện nay, mức độ bao phủ của nó không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn trên toàn thế giới. So với Việt Nam, mức độ tiêu thụ ở đây vô cùng lớn, là miếng mồi béo bở dành cho tác giả sách hiện nay.

 

  • Tiền bản quyền cao hơn: Với Amazon, các tác giả có thể kiếm được tỷ lệ tiền bản quyền cao hơn so với nhà xuất bản. Tuỳ thuộc vào loại sách bạn bán trên Amazon, tỷ lệ tiền bản quyền có thể cao tới 60%. Còn đối với xuất bản truyền thống, tiền bản quyền phụ thuộc ít nhiều vào danh tiếng của bạn trên thị trường viết lách. Là một tác giả mới, bạn khó có mức thù lao cao khi xuất bản những cuốn sách đầu tay.
  • Quyền tác giả: Ngay cả khi bạn xuất bản sách lên KDP, bạn vẫn giữ bản quyền đối với cuốn sách của mình thông qua thoả thuận không độc quyền của Amazon. Amazon kiểm soát vấn đề bản quyền rất nghiêm ngặt nên bạn có thể yên tâm về vấn đề này.
  • Thời gian xuất bản nhanh chóng: Thông thường, với hình thức xuất bản truyền thống, sách có thể mất nhiều thời gian để đưa ra thị trường, từ nửa năm cho đến một năm. Với nền tảng của Amazon, quy trình xuất bản KDP diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ cần bạn hoàn thành xong cuốn sách và đăng tải lên KDP, chỉ vài ngày sau, sách của bạn đã có mặt trên thị trường.
  • Không có hàng tồn kho. Đã qua rồi cái thời mà các tác giả phải mua trước bản in để bán. Với hình thức in theo yêu cầu, sách chỉ được in khi có đặt hàng, vấn đề tồn kho sẽ không bao giờ xảy ra. Tất cả khâu in ấn, chăm sóc khách hàng, Amazon sẽ đảm nhận.

Chi phí xuất bản sách và tiền bản quyền

Chi phí xuất bản sách trên KDP là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, đối với bản sách in, Amazon sẽ tính giá tiền giấy, mực in và trừ trực tiếp trên mỗi cuốn sách bạn bán được.

Amazon sẽ trả tiền bản quyền cho tác giả. Có hai loại chi phí bản quyền bạn cần lưu ý: mức phí bản quyền sách điện tử và mức phí bản quyền bìa mềm.

Tỷ lệ tiền bản quyền đối với ebook là 35% đến 70% tuỳ vào mức độ đáp ứng điều kiện của cuốn sách. Bạn có thể tham khảo thêm về điều kiện tại đây.

Đối với bản mềm (paperback), tiền bản quyền cố định là 60%. Bạn sẽ nhận được % tỷ lệ tiền bản quyền trên giá niêm yết của cuốn sách. Bạn có thể tính giá tiền bản quyền tại đây.

KDP sẽ trả tiền bản quyền cho bạn hàng tháng, khoảng 60 ngày sau khi kết thúc tháng mà tiền bản quyền của bạn đã kiếm được. Tuy nhiên, số tiền thanh toán của bạn phải đạt được ngưỡng tối thiểu trước khi đến thời hạn thanh toán.

KDP Select là chương trình tác giả cho phép Amazon độc quyền bán sách điện tử trên nền tảng Kindle. Điều này có nghĩa, sách chỉ được bày bán trên Kindle và không được phép sử dụng trên nền tảng nào khác. Để đổi lấy độc quyền, Amazon cung cấp cho tác giả một số ưu đãi như cung cấp công cụ quảng cáo, ví dụ Kindle Unlimited, hoặc trả tiền bản quyền cao hơn.

Hướng dẫn chi tiết cách xuất bản sách trên Amazon

Tạo tài khoản

Trước tiên, để xuất bản sách trên KDP bạn cần phải có tài khoản. Bạn tạo tài khoản tại đây.

Sau khi có tài khoản KDP, bạn vào mục “Your account” để điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã số thuế... Lưu ý, vì đây là nền tảng quốc tế nên họ sẽ không chấp nhận tài khoản ngân hàng Việt Nam. Do đó, để có thể nhận tiền bán sách hàng tháng, bạn cần lập tài khoản Payoneer hoặc Pingpong.

Xuất bản sách

Sau khi có tài khoản, bạn trở về mục “Bookshelf”. Đây là nơi bạn sẽ đăng tải sách. Mình sẽ hướng dẫn cách đăng sách ở paperback (cách thức đăng tải ở Kindle cũng tương tự như paperback). Ở paperback sẽ có ba mục chính: paperback details, paperback content  paperback Rights & Pricing.

Paperback details

  • Language: Loại ngôn ngữ bạn sử dụng trong cuốn sách.
  • Book và Subtitle Title: Tiêu đề và tiêu đề phụ. Đừng bỏ qua tiêu đề phụ vì nếu tiêu đề phụ chứa từ khóa, cuốn sách của bạn có thể xuất hiện ở mục tìm kiếm (giống tính năng SEO).
  • Series: Cuốn sách của bạn có nằm trong chuỗi sách nào không? Nếu có thì điền vào, còn không thì để trống.

  • Edition number: Thường là 1, trừ phi bạn có xuất bản cuốn sách ở nơi khác.
  • Author: Là bạn.
  • Contributors: Nếu bạn hợp tác với nhiều tác giả khác.

  • Description: Mô tả cuốn sách.

  • Publishing Rights: Đây là tác phẩm của riêng bạn hay thuộc phạm vi công cộng?
  • Keyword: Nên sử dụng từ khoá không có sẵn trong tiêu đề và tiêu đề phụ để mở rộng phạm vi tìm kiếm. KDP cho bạn 7 hộp để bạn điền từ khoá, bạn nên tận dụng triệt để nhằm tăng khả năng tìm kiếm.
  • Categories: Phân loại, đây là nơi cuốn sách của bạn sẽ xuất hiện trên kệ sách Amazon. Lưu ý, nên phân loại đúng vị trí để cuốn sách dễ dàng đến với người đọc hơn. Amazon cho phép bạn phân loại 2 lần, có nghĩa là sách của bạn được trưng bày ở hai kệ sách khác nhau, vì vậy đừng lãng phí nó.

 

  • Adult content: Cuốn sách có chứa thông tin 18+ hay không, nếu không thì tích vào No, ngược lại là Yes.

Paperback content

  • Print ISBN: Đối với KDP, họ sẽ cung cấp cho bạn ISBN miễn phí. ISBN là mã số tiêu chuẩn quốc tế có tính chất thương mại duy nhất để xác định một quyển sách. Bạn hoàn toàn có thể mua mã số này ở bên ngoài nhưng theo mình, ở đây bạn được cấp miễn phí thì cứ thoải mái dùng.
  • Publication Date: Lựa chọn ngày bạn sẽ cho xuất bản cuốn sách.

 

  • Print Options: Đây là mục bạn sẽ quyết định lựa chọn màu sắc của nội dung cuốn sách. Nếu sách của bạn chỉ có đen trắng thì chọn “black and white interior”; và chọn “color interior” nếu cuốn sách của bạn chứa hình và muốn in màu.

  • Trim size: Amazon có sẵn kích thước cho bạn lựa chọn, nhưng bạn có thể tự tạo kích thước theo yêu cầu của mình. Lưu ý về đơn vị, KDP sẽ có inch và cm, bạn nên nhớ loại kích cỡ bạn chọn để thiết kế bìa sách cho đồng bộ.

  • Manuscript và Book Cover: Đăng tải nội dung cuốn sách và bìa sách.
  • Đối với bìa sách: Bạn nên tính toán kích thước trước khi thiết kế bìa. Amazon có cung cấp công cụ giúp bạn làm điều đó. Bạn có thể vào đây để tính toán kích thước bìa sách. Trước khi quyết định xuất bản và thiết kế bìa, bạn cần xác định nội dung có bao nhiêu trang để đo kích thước bìa phù hợp. Bạn sử dụng công cụ thiết kế bìa của KDP hoặc tự thiết kế đều được.

  • Book review: Đừng bỏ qua bước này. Hãy kiểm tra thật kỹ cuốn sách trước khi xuất bản. Bước này giúp bạn kiểm tra xem sách có bị cắt mất sau khi in, kích thước bìa sách có đúng như yêu cầu ban đầu hay không...

 

Paperback Rights & Pricing

  • Primary marketplace: Thị trường bán sách lớn nhất hiện tại đang là Amazon.com, tuy nhiên nếu bạn muốn thì có thể lựa chọn thị trường khác.

 

  • Pricing, Royalty and Distribution: Bạn có thể xuất bản miễn phí sách ở Amazon, tuy nhiên như ở trên mình có nói, họ sẽ trừ chi phí in ấn trên mỗi cuốn sách bạn bán được. Do vậy, khi lựa chọn giá, bạn nên lưu ý mức chi phí in để biết được lợi nhuận mình thu về. Ví dụ, mình đang lựa chọn giá cho cuốn sách mình muốn bán là 6,99$, chi phí in là 2,29$, đó chỉ là mức giá ở Amazon.com, còn những miền khác như Amazon.co.uk, mình sẽ đưa ra mức giá khác tuỳ vào loại tiền tệ ở đó, chi tiết bạn có thể xem hình.

Sau khi hoàn tất mục điền giá, bạn xuất bản và Amazon sẽ tiến hành kiểm duyệt nội dung sách của bạn trong vòng 72 giờ hoặc có thể lâu hơn. Sau khi xem xét xong, sách của bạn sẽ được trực tiếp đăng bán trên kệ.

Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy môi trường này không phù hợp với mình vì mình không giỏi tiếng Anh và không có khả năng viết sách bằng tiếng Anh, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm. Vì Amazon cho phép bạn xuất bản những cuốn sách low content hoặc no content, nghĩa là sách không có nội dung hoặc nội dung ít, ví dụ như sổ tay, nhật ký, sách tô màu... Cách thức đăng tải vẫn tương tự như trên. Vì vậy, theo mình, Amazon không chỉ dành cho tác giả sách mà còn dành cho tất cả mọi người muốn kiếm thêm thu nhập.

Nguồn: vietlachkiemtien

In bài viết
VỀ CHÚNG TÔI

CS1 : 93 Bàu Cát 2, P12 Tân Bình, HCM

CS2: 139 Đường T6, P. Tây Thạnh, Q Tân Phú , HCM

Email: hotro@gmail.com

SDT: 091.579.6761

FANPAGE
Design by Calisto